NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRÊN BAO BÌ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
Giải thích một số thuật ngữ liên quan
1. Tên thuốc
– Tên thương mại: do Công ty sản xuất hoặc phân phối thuốc đặt ra để phân biệt sản phẩm giữa Công ty này và Công ty khác. Tên thương mại gồm 3 phần: tên thuốc, hàm lượng hoạt chất và dạng thuốc. Thí dụ thuốc trừ sâu Azo-Elong 350SC, trong đó Azo-Elong là tên thuốc, 350 là 350g/l hàm lượng hoạt chất và SC là dạng thuốc huyền phù.
– Tên hoạt chất: là thành phần chủ yếu trong thuốc có tác dụng tiêu diệt dịch hại. Tên hoạt chất của Azo-Elong là Azoxystrobin.
– Phụ gia: là những chất trơ, pha trộn vào thuốc để tạo thành dạng thương phẩm.
2. Nồng độ, liều lượng
– Nồng độ: lượng thuốc cần dùng để pha loãng với 1 đơn vị thể tích dung môi, thường là nước. (đơn vị tính là %, g hay cc thuốc/số lít nước của bình phun).
– Liều lượng: lượng thuốc cần áp dụng cho 1 đơn vị diện tích (đơn vị tính là kg/ha, lít/ha ).
3. Phổ tác động: là nhiều loài dịch hại khác nhau mà loại thuốc đó có thể tác động đến.
– Phổ rộng: thuốc có thể trừ được nhiều dịch hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau.
– Phổ hẹp: (còn gọi đặc trị) thuốc trừ được ít đối tượng gây hại (một loại thuốc trừ dịch hại có tính chọn lọc càng cao thì phổ tác động càng hẹp).
4. Phòng trị
Phòng ngừa và trị các loại bệnh hại cho cây trồng
5. Độ độc
– LD50: Chỉ số biểu thị độ độc cấp tính của một loại thuốc BVTV đối với động vật máu nóng (đơn vị tính là mg chất độc/Kg trọng lượng chuột).
– LC50: độ độc của một hoạt chất có trong không khí hoặc nước (đơn vị tính là mg chất độc/thể tích không khí hoặc nước). Chỉ số LC50 càng thấp thì độ độc càng cao.
– Ngộ độc cấp tính: thuốc xâm nhập vào cơ thể một lần, gây nhiễm độc tức thời với những triệu chứng đặc trưng.
– Ngộ độc mãn tính: khi thuốc xâm nhập vào cơ thể với liều lượng nhỏ, nhiều lần trong thời gian dài, thuốc sẽ tích lũy trong cơ thể đến một lúc nào đó cơ thể sẽ suy yếu
6. Thời gian cách ly (PHI: PreHarvest Interval)
Là khoảng thời gian từ khi phun thuốc lần cuối đến khi thu hoạch nông sản .
7. Dư lượng
Là lượng chất độc còn lưu lại trong nông sản hoặc môi trường sau khi phun
8. Những cơ chế tác động của thuốc
Tiếp xúc:
Thuốc trừ sâu tiếp xúc xâm nhập vào cơ thể sâu qua biểu bì da để tiêu diệt.
Thuốc trừ bệnh tiếp xúc khi phun lên cây chỉ bám dính trên bề mặt lá cây hoặc vỏ thân cây và chỉ diệt những vi sinh vật có tiếp xúc với thuốc ở bề mặt cây.
Thuốc trừ cỏ tiếp xúc chỉ gây cháy ở nhứng nơi cây có tiếp xúc với giọt thuốc.
Vị độc:
Là tác động của thuốc khi xâm nhập vào bộ phận tiêu hoá của động vật (côn trùng, chuột, chim …). Chất độc ăn qua đường miệng vào trong ruột, hoà tan trong dịch vị ở dạ dày và ruột giữa, thấm qua thành ruột và di chuyển đến các cơ quan trong cơ thể để gây hại.
Xông hơi:
Thuốc có thể sinh khí, khói, mù có tác dụng diệt côn trùng, nấm, vi khuẩn, chuột. Thuốc tác động xông hơi có thể dùng phun lên cây, xông hơi trong nhà ở, kho tàng, nhà kính, hàng hoá hoặc trong đất để dễ tiêu diệt các sinh vật gây hại. Hơi thuốc độc xâm nhập qua lỗ thở hoặc trực tiếp tiêu diệt dịch hại.
Nội hấp (lưu dẫn):
Là khả năng của thuốc có thể xâm nhập và di chuyển trong cây để tiêu diệt dịch hại bằng cách tiếp xúc hay vị độc. Trong cây, thuốc có thể di chuyển theo 2 chiều là hướng ngọn (chỉ di chuyển lên các lá, chồi ở phía ngọn) và hướng rễ ( thuốc xâm nhập vào lá rồi di chuyển xuống phía gốc, rễ).
Thấm sâu:
Thuốc có khả năng thấm qua các lớp tế bào biểu bì cây để giết dịch hại nằm dưới lớp biểu bì, mà không có khả năng di chuyển trong cây.
Ngoài 5 cách tác động chủ yếu trên, một số thuốc trừ sâu còn có khả năng xua đuổi hoặc làm sâu ngán ăn mà không phá hại nữa.
Cách đọc nhãn thuốc bảo vệ thực vật
1. Băng màu bên dưới bao bì thuốc BVTV
2. Dạng thuốc
Dạng thuốc | Chữ viết tắt | Thí dụ | Ghi chú |
Nhũ dầu | ND, EC | Tilt 250 ND, Basudin 40 EC, DC-Trons Plus 98.8 EC | Thuốc ở thể lỏng, trong suốt. Dễ bắt lửa cháy nổ |
Dung dịch | DD, SL, L, AS | Bonanza 100 DD, Baythroid 5 SL, Glyphadex 360 AS | Hòa tan đều trong nước, không chứa chất hóa sữa |
Bột hòa nước | BTN, BHN, WP, DF, WDG, WG, SP | Viappla 10 BTN, Vialphos 80 BHN, Copper-zinc 85 WP, Padan 95 SP | Dạng bột mịn, phân tán trong nước thành dung dịch huyền phù |
Huyền phù | HP, FL, SC | Appencarb super 50 FL, Carban 50 SC | Lắc đều trước khi sử dụng |
Hạt | H, G, GR | Basudin 10 H, Regent 0.3 G | Chủ yếu rãi vào đất |
Viên | P | Orthene 97 Pellet, Deadline 4% Pellet | Chủ yếu rãi vào đất, làm bả mồi. |
Thuốc phun bột | BR, D | Karphos 2 D | Dạng bột mịn, không tan trong nước, rắc trực tiếp |
Ví dụ: Azo-Elong 350SC – SC là dạng huyền phù